Trà thảo mộc là gì? Khác biệt gì so với trà xanh?
Các loại trà đen, trà xanh, trắng, ô long đều có nguồn gốc từ
cây chè. Trong khi đó, trà thảo mộc có nguồn gốc từ các loại hoa, lá hoặc gia vị
khác nhau và hầu hết không chứa caffeine. Các nguyên liệu dưới dạng tươi hoặc
phơi khô, pha với nước nóng hay đun sôi lấy nước uống.
Uống trà thảo mộc có tác dụng gì?
Mỗi loại trà thảo mộc có những hoạt chất riêng, do đó mà tác
dụng của mỗi loại trà mang lại cho cơ thể cũng khác nhau. Nhìn chung, trà thảo
mộc có nhiều lợi ích nổi bật đối với sức khỏe gồm:
- Chống ung thư gan, cổ tử cung, đại tràng, bạch huyết hay ung thư phổi,...;
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và các biến chứng;
- Ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý thoái hóa thần kinh như Alzheimer;
- Làm tăng chuyển hóa chất béo, giảm mỡ, có khả năng hỗ trợ giảm cân;
- Bảo vệ gan, thanh nhiệt, giải độc;
- Cải thiện hệ miễn dịch;
- Hạ sốt, giảm ho và đau họng;
- An thần, giảm căng thẳng.
Tổng hợp các loại trà thảo mộc tốt cho sức khỏe
Trà rooibos:
Trà rooibos còn được gọi là trà đỏ, có nguồn gốc từ Nam Phi.
Thành phần không chứa caffeine và được cho là có tác dụng chống oxy hóa. Dựa
trên các nghiên cứu khoa học, loại trà này có tác dụng tăng cường miễn dịch và
ngăn ngừa ung thư. Lợi ích đối với tim mạch và bệnh tiểu đường đang được xem
xét. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng trà rooibos nếu bị
ung thư nhạy cảm với hormone hoặc đang hóa trị.
Trà hoa cúc:
Đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ để làm dịu cơn đau dạ
dày, đầy hơi, tiêu chảy, mất ngủ và lo lắng. Tuy nhiên, hiện các nghiên cứu mới
chứng minh được tác dụng giảm lo âu của nó, đối với các lợi ích khác chưa được
nghiên cứu cụ thể. Trà hoa cúc được chống chỉ định với người dị ứng với các loại
cây thuộc chi cỏ phấn hương và đang sử dụng các thuốc làm loãng máu như
warfarin.
Trà tầm xuân:
Trà tầm xuân được chiết xuất từ vỏ của hạt cây tầm xuân, nó
là nguồn cung cấp vitamin C có khả năng chống viêm và chống oxy hóa. Một số còn
cho rằng nó có tác dụng làm dịu cơn đau do viêm khớp nhưng cần nghiên cứu kỹ
hơn. Trà tầm xuân tương đối an toàn, chỉ một số ít trường hợp có phản ứng dị ứng
hoặc đau bụng khi uống trà.
Trà bạc hà:
Trà bạc hà thường được sử dụng trong các trường hợp bụng khó
chịu, đau đầu, hội chứng ruột kích thích và các vấn đề về hô hấp. Mặc dù được sử
dụng trong y học nhiều thế kỷ qua nhưng có rất ít nghiên cứu chứng minh các lợi
ích của nó đối với sức khỏe. Loại trà này là an toàn, vậy nên bạn có thể thử hoặc
đơn giản thưởng thức hương vị mát lạnh của bạc hà.
Trà gừng:
Được sử dụng chủ yếu trong điều trị chứng đau bụng và buồn
nôn. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng nó để tăng cảm giác thèm ăn, giảm đau do
viêm khớp hoặc ngừa cảm lạnh. Một số nghiên cứu đã tìm được bằng chứng về tác dụng
giảm buồn nôn, các lợi ích khác vẫn cần tìm hiểu thêm. Trà gừng được coi là an
toàn, nhưng nếu đang mang thai, bạn nên tham khảo bác sĩ trước khi sử dụng nó
như một loại thức uống thường xuyên.
Trà tía tô đất:
Theo lưu truyền của dân gian, trà tía tô đất có tác dụng làm
giảm lo lắng, mất ngủ và đã có một số bằng chứng chứng minh được điều này. Đối
với tác dụng cải thiện trí nhớ cần được nghiên cứu thêm. Loại trà này có thể
gây buồn nôn, đau bụng, vì vậy cần cẩn thận khi uống quá nhiều hoặc trong thời
gian dài.
Trà kế sữa và bồ công anh:
Trà kế sữa và bồ công anh được sử dụng cho người mắc các bệnh
về gan và mật. Trà bồ công anh thường không gây hại với sức khỏe, trừ với những
người dị ứng với các loại cây có hoa vàng. Trà kế sữa có thành phần chính là
silymarin, được các nghiên cứu chứng minh là có tác dụng làm giảm các triệu chứng
của bệnh viêm gan C.
Trà hoa dâm bụt
Trà hoa dâm bụt có nguồn gốc từ Ai Cập cổ đại, từ một loại
hoa màu đỏ giàu chất chống oxy hóa. Một số nghiên cứu đã phát hiện được nó có
tác dụng làm giảm huyết áp và cholesterol. Đây là một loại trà an toàn, bạn có
thể uống một cách điều độ mà không gây hại sức khỏe.
Trà echinacea
Echinacea còn có tên gọi là coneflower, là một phương thuốc
dùng điều trị cảm lạnh nhờ tác dụng tăng cường miễn dịch. Tuy nhiên, hiện chưa
có nhiều nghiên cứu chứng minh được lợi ích của nó. Nếu đang mang thai, bị dị ứng
hoặc hen suyễn hoặc đang sử dụng thuốc thì không nên sử dụng loại trà này.
Trà xô thơm
Được sử dụng trong nhiều thế kỷ trong điều trị các vấn đề về
dạ dày, viêm họng, trầm cảm và mất trí nhớ. Tuy nhiên, hiện nghiên cứu về lợi
ích của loại thảo mộc này đối với sức khỏe vẫn còn hạn chế. Hầu hết các loại
trà xô thơm an toàn khi sử dụng, trừ một số loại có chứa thujone có thể gây ảnh
hưởng đến hệ thần kinh.
Trà lạc tiên
Có tác dụng làm giảm bớt lo lắng và giúp điều trị mất ngủ.
Tuy nhiên, bạn không nên uống loại trà này nếu đang mang thai vì nó có thể gây
ra các tác dụng phụ như buồn ngủ, chóng mặt và lú lẫn. Trà lạc tiên cũng có thể
gây ảnh hưởng đến hoạt động của một số loại thuốc như pentobarbital và
benzodiazepines.
Trà nghệ:
Được một số người sử dụng để điều trị sỏi thận và đầy hơi
nhưng hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh được điều này. Các nghiên cứu trên
động vật cho thấy nó có tác dụng ngăn ngừa ung thư và giảm viêm, vẫn cần nghiên
cứu trên người để đánh giá chính xác tác dụng của nó. Nếu đang hóa trị, bạn
không nên uống trà nghệ vì có thể gây cản trở quá trình điều trị.
Trà nữ lang
Phụ nữ sử dụng trà nữ lang để làm giảm các triệu chứng của
thời kỳ mãn kinh, ngoài ra, nó còn được sử dụng trong điều trị chứng mất ngủ,
lo lắng hoặc trầm cảm. Một số nghiên cứu đã chứng minh được tác dụng an thần của
trà, tuy nhiên, không nên sử dụng trong thời gian dài hoặc kết hợp với rượu hoặc
thuốc an thần, tránh gây nguy hại đến sức khỏe.
Trà kava
Kava là cây thuộc họ hồ tiêu, có nguồn gốc từ Nam Thái Bình
Dương, thường được biết đến như một loại thuốc bổ có tác dụng giảm lo âu đã được
chứng minh. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra các tác dụng phụ
trên gan như vàng hoặc khô da, da có vảy khi sử dụng trong thời gian dài. FDA
đã đưa ra cảnh báo về các rủi ro mang lại khi sử dụng loại trà này và một số nước
đang cố gắng loại bỏ nó ra khỏi thị trường.
Nhìn chung, trà thảo mộc
có nhiều lợi ích nổi bật đối với sức khỏe. Tuy nhiên, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ
về loại trà thảo mộc, thời gian và liều dùng, vì một số có thể gây tác dụng phụ
nếu sử dụng trong thời gian dài hoặc dùng với hàm lượng quá nhiều.