Tình trạng thiếu vắc xin Covid-19 liều thứ hai đang xảy ra tại nhiều tiểu bang Mỹ, trong khi số ca nhiễm ở Mỹ nói riêng và thế giới nói chung không ngừng tăng.
Tính đến tối qua 17.1, đã có gần 95 triệu ca nhiễm Covid-19 với hơn 2 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Bên cạnh việc ứng phó mức độ lây lan nhanh của SARS-CoV-2 với nhiều biến thể nguy hiểm, thiếu vắc xin cũng đang trở thành vấn đề cấp bách.
Cột mốc báo động Los Angeles (bang California) vừa trở thành hạt đầu tiên của Mỹ ghi nhận 1 triệu ca Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát. Cụ thể, số ca nhiễm tại Los Angeles vào rạng sáng qua (giờ VN) là 1.003.923, trong đó 13.741 người tử vong, theo Đài NBC News.
Tuy nhiên, giới chức y tế công cộng địa phương cảnh báo số ca Covid-19 tại đây trên thực tế phải cao hơn nhiều, tới mức cứ 3 người có 1 người mắc bệnh. Trong số này, ít nhất một ca mắc biến thể virus mới từ Anh. Giới hữu trách cho rằng biến thể này đã lây lan trong cộng đồng.
“Sự hiện diện của biến thể từ Anh rất đáng quan ngại, vì hệ thống chăm sóc y tế của Los Angeles đang lâm vào tình trạng quá tải nghiêm trọng với hơn 7.500 bệnh nhân Covid-19 nhập viện”, theo bác sĩ Barbara Ferrer, Giám đốc Y tế công cộng hạt Los Angeles.
Chứng cứ hiện tại không cho thấy biến thể mới sẽ khiến bệnh nặng hơn, nhưng tốc độ lây lan rõ ràng nhanh hơn trước, từ đó dẫn đến tổng số ca tiếp tục tăng, và nguy cơ tử vong cao hơn. Tỷ lệ mắc Covid-19 tại đây đã tăng chóng mặt sau khi giới hữu trách thả lỏng các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan.
Mỹ cũng thiếu vắc xin
Trong khi đó, hạ nghị sĩ Lou Correa tại bang California cùng ngày thông báo đã mắc Covid-19 trước khi kịp tiêm liều vắc xin thứ hai, Đài ABC News đưa tin. Văn phòng nghị sĩ cho hay ông được tiêm liều vắc xin Pfizer-BioNTech đầu tiên vào ngày 19.12.2020, tức mới có tác dụng phòng vệ khoảng 52%.
Cả 2 dòng vắc xin được Mỹ thông qua, gồm Pfizer-BioNTech và Moderna, đều cần phải tiêm liều thứ hai sau 3 - 4 tuần để nâng mức bảo vệ. Tuy nhiên, tình trạng thiếu vắc xin đang xảy ra tại nhiều tiểu bang, như New York, Vermont, Michigan, Nam Carolina, New Jersey và Oregon, theo Reuters.
Tại bang Oregon, Thống đốc Kate Brown thông báo hoãn chương trình tiêm vắc xin cho nhóm ưu tiên là người cao tuổi và giáo viên, trong khi Thống đốc bang Vermont Phil Scott cho biết bang này tạm thời chỉ tập trung tiêm phòng cho người trên 75 tuổi vì hiện không thể bảo đảm được nguồn vắc xin. Phát ngôn viên bang New York Jack Sterne đổ lỗi cho chính quyền liên bang vì để xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung vắc xin, khiến tiểu bang chỉ nhận được 250.000 liều trong tuần tới thay vì 300.000 liều như dự kiến.
Tại châu Âu, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hôm qua hứa hẹn mọi công dân trưởng thành ở nước này sẽ nhận được mũi tiêm đầu tiên vào tháng 9. Đồng thời ông cũng cho hay chính phủ Anh đang cân nhắc “mọi biện pháp” để ngăn chặn các biến thể mới lây lan từ Nam Phi và Brazil. Một trong những kế hoạch nhiều khả năng được triển khai là xây khách sạn cách ly cho những người đến từ một số quốc gia cụ thể.
Ở Úc, chính quyền bang New South Wales tìm cách ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan từ một cụm nhiễm ở ngoại ô Sydney, xuất phát từ một ca bí ẩn, không rõ nguyên nhân.
Còn tại Ấn Độ, chính quyền New Delhi ngày 17.1 khởi động chiến dịch tiêm phòng toàn dân, với hơn 190.000 người được tiêm mũi đầu tiên của vắc xin Oxford-AstraZeneca (Anh) hoặc loại nội địa “Covaxin”. Chưa có trường hợp xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng, theo Reuters.
Nguồn: thanhnien.vn